Nỗ lực hồi phục sau thông tin được công bố

Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, dầu thô đã ghi nhận một phiên tăng mạnh, với dầu WTI tăng 4,09% lên 77,14 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,83% lên 84,09 USD/thùng. Các nhà cung cấp dầu lớn và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 2 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc, đã hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, các phát biểu mới nhất của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xoa dịu một phần lo ngại về việc dữ liệu lao động mạnh mẽ có thể thúc đẩy lãi suất tăng mạnh hơn. Đồng Dollar Mỹ hạ nhiệt sau 3 phiên tăng liên tiếp cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Lực mua xuất hiện ngay từ phiên mở cửa trước một vài lo ngại kéo dài về nguồn cung cấp dầu tại trạm Ceyhan, xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày đã bị tạm dừng sau khi một trận động đất lớn xảy ra trong khu vực. Ngoài ra, công ty Equinor cũng cho biết họ đã tạm dừng sản xuất dầu tại Johan Sverdrup Stage 1, mỏ sản xuất lớn nhất Biển Bắc, với công suất khoảng 535.000 thùng dầu/ngày do hệ thống kỹ thuật gặp sự cố.
Về nhu cầu, việc Saudi Arabia đã chính thức tăng giá bán dầu thô của họ đối với thị trường châu Á lần đầu tiên sau ba tháng, thêm 0,2 USD/thùng, do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực hơn cũng đã giúp dầu thô duy trì sắc xanh.
Báo cáo STEO cũng cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc sẽ tăng 700.000 thùng/ngày trong năm nay và 400.000 thùng/ngày vào năm 2024. Cơ quan này cũng dự báo sản lượng xăng dầu và các chất lỏng khác của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu xuống còn 9,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Tuy nhiên, con số đó cao hơn 400.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 1 do xuất khẩu của Nga vẫn cao hơn dự kiến trước đó bất chấp lệnh trừng phạt vào đầu tháng 12.
Theo EIA, dự báo nhu cầu dầu cho năm 2023 không đổi so với báo cáo trước, đạt mức 100,47 triệu thùng/ngày. Báo cáo cho thấy cơ quan này điều chỉnh giảm nhu cầu trong 2 quý đầu năm 2023, trong khi tăng dự báo nhu cầu cho 2 quý cuối năm, với nhu cầu tại Trung Quốc và các nước không thuộc OECD bù đắp cho sự suy yếu từ các quốc gia khu vực OECD. Trong khi đó, về nguồn cung, tăng trưởng trong sản lượng của các nước ngoài OPEC trong cả năm 2023 và 2024 được dự đoán sẽ bù đắp cho sự sụt giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày trong sản xuất của Nga. Cán cân cung cầu dưới góc nhìn của EIA vẫn thiên về dư cung trong hầu hết giai đoạn dự báo.
Yếu tố vĩ mô cũng góp phần thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trong phiên tối, kéo giá dầu lên vùng cao nhất kể từ đầu tháng 2 sau những nhận định của chủ tịch Fed cho biết dữ liệu lao động bất ngờ mạnh mẽ của Mỹ cho thấy tiến trình thắt chặt tiền tệ cần thời gian để phát huy hoàn toàn hiệu quả. Việc nhấn mạnh tới yếu tố “thời gian” cũng giúp xoa dịu một phần lo ngại trước đó của thị trường, kéo đồng USD hạ nhiệt, và hỗ trợ cho giá dầu.
Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/2, trái với mức dự đoán tăng của thị trường. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng mạnh 5,2 triệu thùng trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 1,1 triệu thùng, phản ánh nhu cầu vẫn còn yếu, có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá dầu.


dauthohanghoahanghoaphaisinhTrend Analysis

כתב ויתור