TIN TỨC THẾ GIỚI
- Tuần vừa qua, hầu hết toàn bộ TTCK trên thế giới đồng loạt giảm điểm nhẹ. Chỉ số NIKKEI225 của
Nhật Bản tăng 152 điểm, tương ứng tăng 0,56%; chỉ số DowJones giảm 225 điểm, tương ứng 0,65%; chỉ số
S&P500 của Mỹ giảm 94 điểm, tương ứng 2,11%; chỉ số CSI300 của Trung Quốc giảm 221 điểm tương ứng
0,52%. Nguyên nhân xuất phát từ những tin tức xấu liên quan đến lạm phát cao ở Mỹ và chính sách tăng lãi
suất trong thời gian tới.
- Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong buổi đàm phán gần nhất. Truyền thông Ukraine
đưa tin Nga đã tiến sát đến vùng trung tâm của Kiev và châu Âu vẫn đang ủng hộ cả về quân sự lẫn tài chính.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Nga và 2 nước Ấn Độ/Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gắn kết khi 2 nước này
tuyên bố sẽ tăng nhập khẩu dầu từ Nga.
- Ngày 12/4 vừa qua, bộ Lao động Mỹ công bố lạm phát CPI trong năm 2021 tăng tới 8,5%, lạm phát
trong riêng tháng 3 tăng 1,2%, đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ năm 1981. Điều này giáng một
đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là những DN liên quan đến sản xuất và những hộ gia đình thu nhập
thấp.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TRONG NƯỚC
- VNINDEX tuần qua giảm 23 điểm, tương ứng giảm 1,6% với thanh khoản thị trường trung bình đạt
23.500 tỷ đồng. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp thanh khoản giảm, chỉ số đi ngang và dòng tiền đa phần đến từ nhà
đầu tư cá nhân. Nguyên nhân đến từ những thông tin bất ổn về những doanh nghiệp bị điều tra cũng như việc
thanh lọc thị trường chứng khoán từ UBCK và Bộ tài chính.
- Dòng tiền tiếp tục rời khỏi nhóm ngành bất động sản và ngân hàng. Giá cổ phiếu của những nhóm
penny/midcap tăng giảm đan xen nhau kèm theo sự bán tháo vào những phiên ATC khiến cho hoạt động giao
dịch mang tính rủi ro cao. Những nhóm ngành giữ được đà tăng đi ngược thị trường bao gồm: thủy sản, dệt
may và phân bón.
- Thị trường tiếp tục đi ngang và chờ đợi mùa công bố báo cáo tài chính của quý 1 năm 2022. Nguồn tín
dụng chảy mạnh vào nền kinh tế nhằm hỗ trợ các DN là động lực chính thúc đẩy kinh tế đi lên trong Q1/2022
vừa qua. Bên cạnh đó, theo dự báo của chúng tôi và số liệu xuất khẩu từ hải quan trong 3 tháng đầu năm,
doanh thu của những nhóm ngành như thủy sản, phân bón và dệt may đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
GÓC NHÌN KỸ THUẬT
- Xu hướng tăng trong trung hạn và dài hạn của VNINDEX tiếp tục được giữ vững trên biểu đồ ngày.
Chỉ báo 3 đường trung bình MA20/MA50/MA200 cho thấy xu hướng tích lũy của VNINDEX kể từ tháng
11/2021 đến nay. VNINDEX vẫn nằm trên đường trung bình MA200 cho thấy xu hướng tăng trong dài hạn
vẫn được giữ vững.
- Chỉ báo MCDX cho thấy dòng tiền lớn hoàn toàn không vào thị trường trong tuần vừa qua. Chỉ số
MACD(8,21,5) cho thấy xu hướng giảm đang diễn ra và chưa xuất hiện tín hiệu dừng lại. Chỉ số RSI(7) cho
thấy dấu hiệu quá bán và sắp về điểm ngừng bán.
- Những vùng kháng cự/hỗ trợ cần lưu ý trước khi quyết định mua/bán cổ phiếu trong danh mục trong tuần
tới:
- Vùng hỗ trợ: 1.450, 1.430 và 1.400
- Vùng kháng cự: 1.470 và 1.490
KHUYẾN NGHỊ
- Chúng tôi nhận định thị trường chứng khoán sẽ bất ổn trong tuần này vì những thông tin liên quan đến
chính trị và thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp làm ăn bất chính. Vì vậy, kế hoạch bao gồm: giữ tiền mặt và
cơ cấu danh mục đầu tư vào những nhóm ngành sẽ được hưởng lợi mạnh trong quý 2, đặc biệt là những nhóm
ngành như thủy sản, phân bón và dệt may.
- Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên đánh giá nhóm ngành bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng xấu trong tuần
này. Với việc nguồn vốn đầu vào thông qua trái phiếu và tín dụng ngân hàng suy giảm kèm theo nguồn tín
dụng vay mua nhà đầu ra bị thắt chặt, đây là “cú đấm kép” khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh
nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng nặng.
- Ưu tiên chiến lược đầu tư trung/dài hạn và hạn chế tối đa hoạt động đầu cơ, trading T+3 trong tuần nhằm
tránh những ảnh hưởng xấu từ thị trường chung. Chúng tôi đánh giá tiêu cực đối với những cổ phiếu
penny/midcap, đặc biệt là những cổ phiếu có nội tại kém hoặc đang bị âm doanh thu thuần.
--
Chúc anh em luôn luôn có những quyết định sáng suốt nhất khi trading!